
QUYỂN
THỨ TƯ
Đời Diêu Tần ngài
Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập vâng chiếu dịch. Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt
Dịch
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
PHẨM "PHÁP-SƯ"
THỨ MƯỜI
1. Lúc bấy
giờ, Đức Thế-Tôn nhơn nói với Dược-Vương Bồ-tát để bảo tám muôn đại sĩ rằng:
"Dược-Vương! Trong đại chúng đây vô-lượng hàng chư Thiên, Long-vương,
Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, Nhơn cùng
Phi-nhơn, và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hạng cầu Thanh-văn,
hạng cầu Bích-chi-Phật, hạng cầu Phật đạo, các loại như thế đều ở trước Phật
nghe Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa một bài kệ một câu, nhẩn đến một niệm tùy hỷ
đó, Ta đều thọ ký cho sẽ đặng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác".
Phật bảo
Dược-Vương: "Lại sau khi Đức Như-Lai diệt độ, nếu có người nghe Kinh
Diệu-Pháp Liên-Hoa, nhẫn đến một bài kệ một câu niệm tùy hỷ đó, Ta cũng thọ
ký đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác cho".
Nếu có
người thọ trì đọc tụng, giải nói, biên chép Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa, nhẫn
đến một bài kệ, đối kinh điển này cung kính xem như Phật. Các thứ cúng
dường, hoa, hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng lụa,
tràng phan, y phục, kỹ nhạc, nhẫn đến chắp tay cung kính. Dược-Vương nên
biết! Các người trên đó đã từng cúng dường mười muôn ức Phật, ở chỗ các Đức
Phật thành tựu chí nguyện lớn vì thương xót chúng sanh mà sanh vào nhân
gian.
Dược-Vương! Nếu có người hỏi những chúng sanh nào ở đời vị-lai sẽ đặng làm
Phật? Nên chỉ các người trên đó ở đời vị-lai ắc đặng làm Phật. Vì sao? Nếu
có gã thiện-nam, người thiện-nữ nào ở nơi Kinh Pháp-Hoa nhẫn đến một câu,
thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép. Các thứ cúng dường Kinh quyển, hoa,
hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng lua, tràng phan, y
phục, kỹ nhạc, chắp tay cung kính. Người đó tất cả trong đời đều nên chiêm
ngưỡng sùng phụng. Nên đem đồ cúng dường Như-Lai mà cúng dường đó. Phải biết
người đó là Bồ-tát lớn thành xong đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, vì
thương xót chúng sanh mà nguyện sanh trong đời để rộng nói phân biệt Kinh
Diệu-Pháp Liên-Hoa, huống lại là người trọn hay thọ trì và các thứ cúng
dường.
Dược-Vương
nên biết! Người đó tự bỏ nghiệp báo thanh-tịnh, sau khi Ta diệt độ vì thương
chúng sanh mà sanh nơi đời ác, rộng nói Kinh nầy. Nếu người thiện-nam, người
thiện-nữ đó sau khi Ta diệt độ có thể riêng vì một người nói Kinh Pháp-Hoa,
nhẫn đến một câu, phải biết người là sứ của Như-Lai, Đức Như-Lai sai làm
việc của Như-Lai, huống là ở trong đại chúng rộng vì người nói.
Dược-Vương! Nếu có người ác dùng tâm không lành ở trong một kiếp hiện ở
trước Phật thường chê mắng Phật, tội đó còn nhẹ. Nếu có người dùng một lời
dữ chê mắng người tại gia hay xuất gia đọc tụng Kinh Pháp-Hoa, tội đây rất
nặng.
Dược-Vương! Có người đọc tụng Kinh Pháp-Hoa, phải biết người đó dùng đức
trang nghiêm của Phật tự trang nghiêm mình, thời được Như-Lai dùng vai mang
vác. Người đó đến đâu, mọi người nên hướng theo làm lễ, một lòng chắp tay
cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen: hoa, hương, chuỗi ngoc, hương
bột, hương xoa, hương đốt, lọng nhiểu, tràng phan, y phục, đồ ngon, trổi các
thứ kỹ nhạc, đồ cúng dường bực thượng của trong loài người mà đem cúng dường
cho người đó, nên cầm báu trời mà rải cúng đó, nên đem đống báu trên trời
dâng cho đó.
Vì sao?
Người đó hoan hỷ nói pháp, giây lát nghe pháp liền đặng rốt ráo Vô-thượng
Chánh-đẳng Chánh-giác vậy.
Bấy giờ,
Đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
2. Nếu muốn
trụ Phật đạo
Thành tựu trí tự nhiên
Thường phải siêng cúng dường
Người thọ trì Pháp-Hoa.
Có ai muốn mau đặng
Nhứt-thiết-chủng-trí huệ
Nên thọ trì Kinh này
Và cúng dường người trì
Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa
Nên biết là sứ Phật
Thương nhớ các chúng sanh
Những người hay thọ trì
Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa
Xa bỏ cõi thanh-tịnh
Thương chúng nên sanh đây.
Phải biết người như thế
Chỗ muốn sanh tự-tại
Ở nơi đời ác nầy
Rộng nói pháp Vô thượng,
Nên đem hoa, hương trời
Và y phục, báu trời
Đống báu tốt trên trời
Cúng dường người nói pháp.
Đời ác, sau Ta diệt
Người hay trì Kinh nầy
Phải chắp tay lễ kính
Như cúng dường Thế-Tôn,
Đồ ngon ngọt bực thượng
Và các món y phục
Cúng dường Phật tử đó
Mong được giây lát nghe.
Nếu người ở đời sau
Hay thọ trì Kinh này
Ta khiến ở trong người
Làm việc của Như-Lai.
Nếu ở trong một kiếp
Thường ôm lòng chẳng lành
Đỏ mặt và mắng Phật
Mắc vô-lượng tội nặng.
Có người đọc tụng trì
Kinh Diệu-Pháp-Hoa nầy
Giây lát dùng lời mắng
Tội đây lại hơn kia.
Có người cầu Phật đạo
Mà ở trong một kiếp
Chắp tay ở trước Ta
Dùng vô số kệ khen
Do vì khen Phật vậy
Đặng vô lượng công đức,
Khen ngợi người trì Kinh
Phước đây lại hơn kia.
Trong tám mươi ức kiếp
Dùng sắc thinh tối diệu
Và cùng hương vị xúc
Cúng dường người trì Kinh
Cúng dường như thế rồi
Mà được chốc lát nghe
Thời nên tự mừng vui
Nay Ta được lợi lớn.
Dược-Vương! Nay bảo ông
Các Kinh của Ta nói
Mà ở trong Kinh đó
Pháp-Hoa tột thứ nhứt.
3. Lúc bấy
giờ, Phật lại bảo ngài Dược-Vương Đại Bồ-tát: "Kinh điển của Ta nói nhiều
vô-lượng nghìn muôn ức, đã nói, hiện nói, sẽ nói, mà ở trong đó, Kinh
Pháp-Hoa rất là khó tin, khó hiểu.
Dược-Vương! Kinh nầy là tạng bí yếu của các Đức Phật, chẳng có thể chia bủa
vọng trao cho người. Kinh đây là của các Đức Phật giữ gìn từ xưa đến nay
chưa từng bày nói, mà chính Kinh này khi Như-Lai đương hiện tại còn nhiều kẻ
oán ghét, huống là sau lúc Phật diệt độ.
Dược-Vương
nên biết! Sau khi Như-Lai diệt độ người nào có thể biên chép, thọ trì, đọc
tụng, cúng dường vì người khác mà nói, thời được Như-Lai lấy y trùm đó, lại
được các Đức Phật hiện tại ở phương khác hộ niệm cho. Người đó có sức tin
lớn và sức chí nguyện, các sức căn lành, phải biết người đó cùng Như-Lai ở
chung, được Đức Như-Lai lấy tay xoa đầu.
4. Dược-Vương!
Nơi nơi, chỗ chỗ, hoặc nói, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc chép, hoặc chổ có
quyển Kinh này, đều nên dựng tháp bằng bảy thứ báu cho tột cao rộng đẹp đẽ,
chẳng cần để Xá-lợi.
Vì sao? Vì trong đó đã có toàn thân của Đức Như-Lai rồi. Tháp đó nên
dùng tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, lọng lụa, tràng phan, kỹ nhạc, ca tụng,
để cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen. Nếu có người thấy được tháp này
mà lễ lạy cúng dường, phải biết người đó đều gần đạo Vô-thượng Chánh-đẳng
Chánh-giác.
Dược-Vương! Có rất nhiều người tại gia cùng xuất gia làm đạo bồ-tát, nếu
chẳng có thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì cúng dường được Kinh
Pháp-Hoa này, phải biết người đó chưa khéo tu đạo Bồ-tát. Nếu có người đặng
nghe Kinh này, mới là hay khéo tu đạo Bồ-tát. Có chúng sanh nào cầu Phật đạo
hoặc thấy hoặc nghe Kinh Pháp-Hoa này, nghe xong tin hiểu thọ trì, nên biết
người đó đặng gần đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Dược-Vương! Thí như có người khát tìm nước ở nơi gò cao kia xoi đào tìm đó,
vẫn thấy đất khô biết rằng nước còn xa, ra công đào không thôi, lần thấy đất
ướt rồi lần thấy đến bùn, tâm người đó quyết chắc biết rằng nước ắt gần.
Bồ-tát
cũng lại như thế, nếu chưa nghe chưa hiểu chưa có thể tu tập Kinh Pháp-Hoa
này, phải biết người đó cách đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác còn xa.
Nếu được
nghe hiểu suy gẫm tu tập Kinh này, thời chắc biết đặng gần Vô-thượng
Chánh-đẳng Chánh-giác.
Vì sao? Vì
đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của Bồ-tát đều thuộc Kinh này, Kinh này
mở môn phương tiện bày tướng chơn thiệt. Tạng Kinh Pháp-Hoa này, xa kín
nhiệm sâu không có người đến được, nay Phật vì giáo hóa để thành tựu Bồ-tát
mà chỉ bày cho.
Dược-Vương! Nếu có Bồ-tát nghe Kinh Pháp-Hoa này mà kinh nghi sợ sệt, phải
biết đó là Bồ-tát mới phát tâm. Nếu hàng Thanh-Văn nghe kinh này mà kinh
nghi sợ sệt, phải biết đó là hạng Tăng thượng mạn(1).
5. Dược-Vương!
Nếu có người thiện-nam, người thiện-nữ nào, sau khi Đức Như-Lai diệt độ muốn
vì hàng bốn chúng mà nói Kinh Pháp-Hoa này thời phải nói cách thế nào? Người
thiện-nam, thiện-nữ đó phải vào nhà Như-Lai, mặc y Như-Lai, ngồi tòa
Như-Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói Kinh này.
Nhà
Như-Lai chính là tâm từ-bi lớn
đối với tất cả chúng sanh, y Như-Lai chính là
lòng nhu hòa, nhẫn nhục, tòa
Như-Lai chính là nhứt thiết pháp không. An trụ trong đây, sau rồi dùng tâm không
biếng trễ vì các Bồ-tát và bốn chúng rộng nói Kinh Pháp-Hoa này.
Dược-Vương! Bấy giờ Ta ở nước khác sai hàng hóa nhơn làm chúng nhóm nghe
pháp của người đó, Ta cũng sai hóa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di,
nghe người đó nói pháp. Các người biến hóa đó nghe pháp tin nhận thuận theo
không hề trái. Nếu người nói pháp ở chỗ vắng vẻ, Ta liền sai nhiều Trời,
Rồng, Quỷ, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la v.v... nghe người đó nói pháp. Ta dầu
ở nước khác, nhưng luôn luôn khiến người nói pháp đó đặng thấy thân Ta. Nếu
ở trong kinh này quên mất câu lối, Ta lại vì nói cho đó đặng đầy đủ.
Bấy giờ,
Đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
6. Muốn bỏ
tánh biếng lười
Nên phải nghe Kinh này
Kinh này khó đặng nghe
Người tin nhận cũng khó.
Như người khát cần nước
Xoi đào nơi gò cao
Vẫn thấy đất khô ráo
Biết cách nước còn xa
Lần thấy đất ướt bùn
Quyết chắc biết gần nước.
Dược-Vương! Ông nên biết
Các người như thế đó
Chẳng nghe Kinh Pháp-Hoa
Cách trí Phật rất xa,
Nếu nghe Kinh sâu này
Quyết rõ pháp Thanh-văn
Đây là vua các Kinh
Nghe xong suy gẩm kỹ
Phải biết rằng người đó
Gần nơi trí-huệ Phật.
Nếu người nói Kinh này
Nên vào nhà Như-Lai
Mặc y của Như-Lai
Mà ngồi tòa Như-Lai
Ở trong chúng không sợ
Rộng vì người giải nói,
Từ-bi lớn làm nhà
Y
nhu hòa nhẫn nhục
Các pháp không làm tòa
Ở đó vì người nói.
Nếu lúc nói Kinh nầy
Có người lời ác mắng
Dao, gậy, ngói, đá đánh
Nhớ Phật nên phải nhịn.
Ta trong muôn ức cõi
Hiện thân sạch bền chắc
Trải vô lượng ức kiếp
Vì chúng sanh nói pháp.
Sau khi Ta diệt độ
Nếu hay nói Kinh này
Ta sai hóa tứ chúng
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Và nam, nữ thanh-tịnh
Cúng dường nơi Pháp-sư
Dẫn dắt các chúng sanh
Nhóm đó khiến nghe pháp.
Nếu người muốn làm hại
Dao gậy cùng ngói đá
Thời khiến người biến hóa
Giữ gìn cho người đó.
Nếu người nói Pháp-Hoa
Ở riêng nơi vắng vẻ
Lặng lẽ không tiếng người
Đọc tụng Kinh điển này
Bấy giờ ta vì hiện
Thân thanh-tịnh sáng suốt
Nếu quên mất chương cú
Vì nói khiến thông thuộc.
Nếu người đủ đức này
Hoặc vì bốn chúng nói
Chỗ vắng đọc tụng Kinh
Đều đặng thấy thân ta
Nếu người ở chỗ vắng
Ta sai Trời, Long-vương
Dạ-xoa, Quỷ, Thần thảy
Vì làm chúng nghe pháp.
Người đó ưa nói pháp
Phân giải không trở ngại
Nhờ các Phật hộ niệm
Hay khiến đại chúng mừng
Nếu ai gần Pháp-sư
Mau đặng đạo Bồ-tát
Thuận theo thầy đó học
Đặng thấy hằng sa Phật.
Thích nghĩa:
(1) TĂNG THƯỢNG MẠN: Được ít mà lầm tự cho là được nhiều, chứng
bực thấp mà lầm cho là chứng bực cao.

|